Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Sở GTVT tuyên truyền về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn của tỉnh Sơn La năm 2022
Lượt xem: 224
I. KẾT QUẢ SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ, XUẤT KHẨU NÔNG SẢN AN TOÀN NĂM 2021

Năm 2021, hoạt động tiêu thụ nông sản của tỉnh tiếp tục chịu tác động bởi những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Tỉnh Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai thực hiện nhiều biện pháp ứng phó, nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm được tập trung đẩy mạnh vào hoạt động chế biến và tiêu thụ trong nước; xuất khẩu trên 25.100 tấn trái cây và sản phẩm từ trái cây. Nhìn chung các sản phẩm được tiêu thụ với mức giá giảm so với các năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo trên giá thành sản xuất.

Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương năm 2021 ước đạt 5.041 ha; diện tích cà phê áp dụng 4C, UTZ: 16.542,9 ha cho 14.148 hộ gia đình.

Toàn tỉnh đã được cấp 220 mã số vùng trồng, diện tích 4.847,85 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 33 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tổng số mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc: 125 mã với 4.077,23 ha; mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang thị trường Mỹ...: 47 mã, diện tích 412,06 ha; mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand...: 48 mã, diện tích 385,56 ha.

Đã có 24 sản phẩm nông sản của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ (tăng 3 sản phẩm so với năm 2020) với 03 chỉ dẫn địa lý; 18 nhãn hiệu chứng nhận; 03 nhãn hiệu tập thể. Trong đó có 02 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài (chè Shan Tuyết và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại Châu Âu theo hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020; sản phẩm chè Shan Tuyết được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017). 

Tổng số sản phẩm OCOP là 83 sản phẩm (Trong đó: Sản phẩm OCOP đạt 5 sao: 01 sản phẩm; 4 sao: 31; 3 sao: 51). 

Hỗ trợ duy trì, phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Trong đó: 27 chuỗi rau an toàn, diện tích 154,3 ha, sản lượng 6.636,5 tấn/năm; 123 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, cam, bưởi, dâu tây...) diện tích 2.333,34 ha, sản lượng 24.388 tấn/năm; 01 chuỗi cà phê diện tích 16 ha, sản lượng 132 tấn/năm; 07 chuỗi chè diện tích 462 ha, sản lượng 6.865 tấn/năm. Ngoài ra, còn 04 chuỗi thịt lợn an toàn; 02 chuỗi thịt gà an toàn; 05 chuỗi mật ong an toàn; 27 chuỗi thủy sản.

Hoạt động thu hút đầu tư chế biến nông sản được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm rau, quả tại tỉnh, gồm: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy Bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Đồng thời, tỉnh Sơn La cũng hỗ trợ, khuyến khích các HTX, tổ chức, cá nhân phát triển các mô hình sơ chế, chế biến các sản phẩm quả để tăng thời gian dự trữ, bảo quản, tăng giá trị sản phẩm và giảm áp lực cho tiêu thụ quả tươi. 

Tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La năm 2021 ước đạt 161,2 triệu USD (tăng 43,66% so với năm 2020); mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm của tỉnh, xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ (tăng 05 nước so với năm 2020). 

II. KẾ HOẠCH XUẤT KHẨU NÔNG SẢN NĂM 2022

1. Mục tiêu

- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh có tiềm năng, lợi thế về điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng…để tạo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh, không ngừng gia tăng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu, tạo thu nhập cho người dân.

- Duy trì và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm; Chuyển dịch dần từ xuất khẩu ủy thác, xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu trực tiếp; nhằm đa dạng hóa thị trường, hạn chế các rủi ro phát sinh trong quá trình tham gia xuất khẩu.

- Hình thành và phát triển các đơn vị thu gom, đơn vị xuất khẩu có đủ năng lực và mang tính chuyên nghiệp hơn.

- Phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2022 đạt 174 triệu USD, tăng 7,94% so với năm 2021 (trong đó: sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 162,5 triệu USD, tăng 8,3% so với năm 2021) góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới.

2. Kế hoạch xuất khẩu 

a) Sản phẩm trái cây

Số lượng sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu năm 2022 dự kiến đạt trên 28.370 tấn (tăng 12,9% so với năm 2021). Giá trị tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt 33,56 triệu USD (tăng 34,65% so với năm 2021). Một số sản phẩm trái cây chủ yếu:

- Sản phẩm Xoài tham gia xuất khẩu đạt 12.000 tấn (gồm 9.000 tấn quả tươi; 1.000 tấn xoài quả tươi đưa vào sơ chế, chế biến xuất khẩu tại các nhà máy ngoài tỉnh; 1.000 tấn sản phẩm xoài IQF, 1.000 tấn nước ép xoài cô đặc tại Nhà máy chế biến hoa quả của công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao). Giá trị sản phẩm xoài tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 5,63 triệu USD; Thời gian thu hoạch: từ tháng 5 đến tháng 8. Thị trường: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mông Cổ....

- Sản phẩm Nhãn tham gia xuất khẩu đạt 7.350 tấn sản phẩm (gồm 3.000 tấn nhãn quả tươi, 3.800 tấn long nhãn, 550 tấn nước ép nhãn). Giá trị sản phẩm nhãn tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 24,12 triệu USD; thời gian thu hoạch: từ cuối tháng 7 đến tháng 9; Thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...;

- Sản phẩm Chuối tham gia xuất khẩu đạt 7.000 tấn. Giá trị sản phẩm chuối tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 1,47 triệu USD; Thị trường xuất khẩu: Trung Quốc...;

b) Nông sản chế biến và nông sản khác

Dự kiến số lượng sản phẩm nông sản chế biến và nông sản khác tham gia xuất khẩu năm 2022 đạt trên 119.600 tấn (tăng 3,35% so với năm 2021); giá trị nông sản chế biến và nông sản khác tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt trên 128,9 triệu USD (tăng 3,05% so với năm 2021). Một số mặt hàng chủ yếu:

- Sản phẩm Chè tham gia xuất khẩu năm 2022 dự kiến đạt 10.500 tấn; giá trị sản phẩm chè tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 23,5 triệu USD (tăng 1,69% so với năm 2021); Thị trường xuất khẩu: Đài Loan, Pakistan, Afghanistan, Nhật Bản... 

 - Sản phẩm Cà phê tham gia xuất khẩu năm 2022 dự kiến đạt 30.500 tấn; giá trị tham sản phẩm cà phê tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt trên 70 triệu USD (tăng 1,67% so với năm 2021); Thị trường EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN.

- Sản phẩm sắn tham gia xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 69.000 tấn (gồm 46.000 tấn tinh bột sắn; 23.000 tấn các sản phẩm từ sắn như sắn lát khô…); giá trị sản phẩm sắn tham gia xuất khẩu đạt 28,6 triệu USD; Thị trường: Trung Quốc.

- Sản phẩm Cao su tham gia xuất khẩu năm 2022 với 2.000 tấn mủ cao su sau chế biến; Giá trị sản phẩm cao su tham gia xuất khẩu khoảng 2,9 triệu USD; Thị trường Đài Loan, Trung Quốc.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu

a) Xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu

Tăng cường hoạt động giám sát đối với diện tích đã cấp VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng của các doanh nghiệp, HTX; tiếp tục xây dựng, cấp các mã vùng trồng mới; Tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp, HTX.

Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. 

Xây dựng và duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn bền vững; Hỗ trợ phát triển các cơ sở đóng gói đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, trước mắt là thị trường Trung Quốc.

b) Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu 

Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch xúc tiến thương mại, thương mại điện tử năm 2022 đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 và các quy định khác của pháp luật.

Tiếp tục triển khai phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, Đài Phát thanh, Truyền hình của Trung ương và các địa phương xây dựng các phóng sự, video, ấn phẩm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của tỉnh Sơn La.

Duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, trong đó tập trung vào thị trường Trung Quốc với các sản phẩm trái cây tươi; mở rộng, phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường các nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực EU… tập trung cho nhóm các sản phẩm nông sản chế biến. 

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh/thành phố như Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh… cập nhật, cung cấp các thông tin dự báo thị trường để định hướng tổ chức sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Hỗ trợ cập nhật các thông tin liên quan đến các quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế; các quy định về hàng rào phi thuế; các cam kết về quy tắc xuất xứ hàng hóa; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu.

c) Nâng cao năng lực đơn vị thu gom và tổ chức xuất khẩu

Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực quản trị - kinh doanh (nghiên cứu, tiếp cận thị trường; các quy định thương mại quốc tế; phát triển thương hiệu sản phẩm Sơn La; kỹ thuật sơ chế, bảo quản, đóng gói, thiết kế nhãn mác, bao bìsản phẩm, ký kết và thực hiện biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế...) cho các doanh nghiệp, HTX, người lao động sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến hàng hóa xuất khẩu.

Hình thành và phát triển các đơn vị thu gom có đủ năng lực (kho lạnh, cơ sở sơ chế, phân loại, đóng gói, bao bì, phương tiện vận chuyển chuyên dụng) bao tiêu và ký kết với đơn vị chế biến, xuất khẩu.

Tạo môi trường thuận lợi và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để các nhà máy chế biến nông sản đã thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách địa phương.

d) Thu hút đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến, xuất khẩu 

Đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản để kéo dài thời gian bảo quản, kéo dài thời gian tham gia xuất khẩu, giảm áp lực về tiêu thụ quả tươi, nâng cao giá trị của sản phẩm tham gia xuất khẩu. 

Hỗ trợ các HTX, cá nhân đầu tư, phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến vừa và nhỏ có công suất, công nghệ sơ chế, chế biến phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn tiêu thụ tại thị trường trong nước và thế giới (an toàn vệ sinh thực phẩm, độ ẩm, màu sắc…), tập trung vào các sản phẩm có sản lượng lớn như xoài, nhãn, mận, chuối...

Tác giả: Hải Hoàng