Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Sở GTVT tuyên truyền về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn của tỉnh Sơn La năm 2021
Lượt xem: 372

I. KẾT QUẢ SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ, XUẤT KHẨU NÔNG SẢN AN TOÀN NĂM 2020

Trong điều kiện dịch Covid-19 và thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội; tỉnh đã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh có 78.850 ha cây ăn quả (tăng 12,7% so với năm 2019), lớn thứ hai cả nước; giá trị sản xuất các loại quả đạt 3.038,3 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2019; đã được cấp 181 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích 4.701 ha (tăng 62 mã số vùng trồng, tăng 1.067 ha so với năm 2019); có 196 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 72 chuỗi so với năm 2019); 21 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ (tăng 3 sản phẩm so với năm 2019); có 614 hợp tác xã, 6 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp (tăng 34 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã so với năm 2019); có 2.792 ha nuôi trồng thủy sản, tăng 2,4%; 9.640 lồng nuôi thủy sản, tăng 1,2% so với năm 2019.

Đến nay, tỉnh đã có 83 sản phẩm OCOP (tăng 55 sản phẩm so với năm 2019), gồm 1 sản phẩm đạt 5 sao, 28 sản phẩm đạt 4 sao, 54 sản phẩm đạt 3 sao.

Vận hành hiệu quả 10 nhà máy chế biến nông sản đã đi vào hoạt động; tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH; khởi công xây dựng Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại huyện Mai Sơn; chuẩn bị các điều kiện để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa công nghệ cao của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tại huyện Mộc Châu.

Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 113 triệu USD, trong đó giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt trên 104 triệu USD; đã xuất khẩu được 16 sản phẩm nông sản sang thị trường 14 nước và vùng lãnh thổ (trong đó có một số thị trường như: Mỹ, Nhật, Úc, Pháp, Nga…).

II. KẾ HOẠCH XUẤT KHẨU NÔNG SẢN NĂM 2021

1. Mục tiêu

- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh có tiềm năng, lợi thế về điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng… tăng sản phẩm xuất khẩu (Cá tầm, Sơn Tra, Bơ và một số sản phẩm rau, quả sau chế biến), tăng xuất khẩu trực tiếp, giảm tỷ trọng ủy thác; tiếp tục duy trì, tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu vào 14 thị trường đã tiếp cận; mở rộng thị trường xuất khẩu sang một số nước như EU, Nga…

- Phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2021 đạt 160 triệu USD (tăng 41,18% so với năm 2020. Trong đó, sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt trên 139.300 tấn, giá trị đạt 150 triệu USD), đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 12,5%/năm), tăng thu ngân sách cho địa phương.

2. Kế hoạch xuất khẩu

2.1. Sản phẩm trái cây

Số lượng sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 22.000 tấn (tăng 4,6% so với năm 2020). Giá trị tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt 17,65 triệu USD (tăng 9,34% so với năm 2020). Một số sản phẩm trái cây chủ yếu:

- Sản phẩm Xoài tham gia xuất khẩu đạt 7.800 tấn, giá trị ước đạt 3,4 triệu USD; Thời gian thu hoạch: từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2021. Thị trường: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

- Sản phẩm Nhãn tham gia xuất khẩu đạt 7.500 tấn sản phẩm (gồm 6.500 tấn nhãn tươi, 1.000 tấn long nhãn), giá trị tham gia xuất khẩu ước đạt 10,6 triệu USD; thời gian thu hoạch: từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2021; Thị trường: Trung Quốc, Úc, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc...;

- Sản phẩm Chanh Leo tham gia xuất khẩu đạt 2.500 tấn, giá trị tham gia xuất khẩu ước đạt 2,81 triệu USD; Thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU;

- Sản phẩm Chuối tham gia xuất khẩu đạt 4.000 tấn, giá trị tham gia xuất khẩu ước đạt 0,7 triệu USD; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...;

- Sản phẩm Mận Hậu tham gia xuất khẩu đạt 200 tấn, giá trị tham gia xuất khẩu ước đạt 100 nghìn USD; thị trường Trung Quốc, Campuchia...;

- Sản phẩm Thanh long tham gia xuất khẩu đạt 50 tấn, giá trị tham gia xuất khẩu ước đạt 40 nghìn USD; thị trường Nga, Úc...;

2.2. Nông sản chế biến và nông sản khác

Dự kiến số lượng sản phẩm nông sản chế biến và nông sản khác tham gia xuất khẩu năm 2021 đạt khoảng 117.000 tấn (tăng 33,8% so với năm 2020), giá trị phấn đấu đạt 132,35 triệu USD (tăng 50,56% so với năm 2020). Một số mặt hàng chủ yếu:

- Sản phẩm Chè tham gia xuất khẩu dự kiến đạt 9.500 tấn, giá trị tham gia xuất khẩu ước đạt 22,5 triệu USD; Thị trường Đài Loan, Pakistan, Apganistan, UAE, Nhật Bản...

- Sản phẩm Cà phê tham gia xuất khẩu ước đạt 29.000 tấn; giá trị tham gia xuất khẩu khoảng 70,4 triệu USD; Thị trường EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, UAE, một số nước Trung Đông và Asean.

- Sản phẩm sắn tham gia xuất khẩu đạt khoảng 60.000 tấn, giá trị tham gia xuất khẩu ước đạt 27 triệu USD; Thị trường: Trung Quốc.

- Sản phẩm Cao su tham gia xuất khẩu 2.000 tấn mủ cao su sau chế biến với giá trị xuất khẩu khoảng 2,9 triệu USD; Thị trường Đài Loan, Trung Quốc;

3. Một số giải pháp đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu

3.1. Xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu

- Xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản; Quản lý chặt chẽ, tăng cường hoạt động giám sát đối với mã số vùng trồng đã cấp cho các doanh nghiệp, HTX , tiếp tục xây dựng, cấp các mã vùng trồng mới năm 2021; Quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn (VietGAP, GlobalGAP).

- Xây dựng cơ sở đóng gói đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, trước mắt là thị trường Trung Quốc.

- Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; hình thành các chuỗi sản xuất quả bền vững. Tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động các doanh nghiệp, HTX.

3.2. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu

- Duy trì, củng cố, mở rộng thị trường truyền thống, trong đó tập trung vào thị trường Trung Quốc với các sản phẩm trái cây tươi; mở rộng, phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường các nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực EU,… tập trung cho nhóm các sản phẩm nông sản chế biến.

- Xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại tỉnh Sơn La năm 2021; tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu năm 2021.

- Kết hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông, báo chí trung ương và địa phương kịp thời đưa tin, tuyên truyền, quảng bá về các sự kiện xúc tiến tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La.

- Duy trì phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh/thành phố như Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh… cập nhật, cung cấp các thông tin dự báo thị trường để định hướng tổ chức sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cục Xuất nhập khẩu, Các vụ thị trường, Tham tán thương mại, Cục bảo vệ thực vật, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản...): Khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu nông sản: Australia (Xoài, Nhãn), Trung Quốc (Xoài, Mận, Chuối, Thanh long, Nhãn), Hàn Quốc, Nhật Bản (Thanh long, Long nhãn, Rau); Thị trường tiêu thụ xuất khẩu chè, cà phê, tinh bột sắn: Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Pakistan, Afghanistan;

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX quảng bá, gửi mẫu sản phẩm chào hàng, tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế trong và ngoài nước;

- Tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa Việt Nam với các nước; Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu của các tỉnh (Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng...) để xuất khẩu nông sản.

- Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp HTX tham gia các Hội nghị giao thương trực tuyến, diễn đàn giao thương trực tuyến với doanh nghiệp của các nước nhập khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ xúc tiến thương mại trực tuyến.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng các gian hàng, tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại thông qua hình thức thương mại điện tử.

- Tổ chức đoàn công tác đi khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác kết nối xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh.

- Tổ chức, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm nông nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; hình thành và phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản bền vững.

- Xây dựng ấn phẩm phục vụ công tác quảng bá, giới thiệu tại thị trường nước ngoài, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu; hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, HTX thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm đáp ứng các quy định nhập khẩu tại thị trường nước ngoài.

3.3. Nâng cao năng lực đơn vị thu gom và tổ chức xuất khẩu

- UBND các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX sản xuất, đơn vị thu gom ký kết và thực hiện biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế với các đơn vị xuất khẩu như Công ty CP nông lâm nghiệp Cánh đồng vàng, Công ty CP Nafood Tây Bắc, Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty CP GreenPath, Công ty CP tập đoàn UNISEEDS...; triển khai đồng bộ từ khâu chăm sóc đến khâu thu gom, sơ chế, chế biến, xuất khẩu.

- Xây dựng mô hình, hình thành và phát triển các đơn vị thu gom có đủ năng lực (kho lạnh, cơ sở sơ chế, phân loại, đóng gói, bao bì, phương tiện vận chuyển chuyên dụng) bao tiêu và ký kết với đơn vị chế biến, xuất khẩu; Tạo môi trường thuận lợi và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, để các nhà máy chế biến nông sản đã thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách địa phương.

- Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực quản trị - kinh doanh (nghiên cứu, tiếp cận thị trường; các quy định thương mại quốc tế; phát triển thương hiệu sản phẩm Sơn La; kỹ thuật sơ chế, bảo quản, đóng gói, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm...) cho các doanh nghiệp, HTX, người lao động sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến hàng hóa xuất khẩu.

3.4. Thu hút đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến, xuất khẩu

- Đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn (Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty cổ phần tinh bột sắn Thuận Châu…).

- Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản để kéo dài thời gian bảo quản, kéo dài thời gian tham gia xuất khẩu, nâng cao giá trị của sản phẩm tham gia xuất khẩu.

3.5. Nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo thị trường

- Nâng cao hiệu quả công tác Tổ nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường thuộc Ban Chỉ đạo 598, chủ động nắm bắt thông tin thị trường, giá cả phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu.

- Chủ động cập nhật các thông tin, quy định của Nhà nước, Bộ ngành trung ương và các nước nhập khẩu sản phẩm hàng hóa của tỉnh Sơn La nhằm định hướng sản xuất, sản phẩm sản xuất ra đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

3.6. Thực hiện cơ chế chính sách

Thực hiện Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Triển khai có hiệu quả, lồng ghép các chính sách hiện hành của Nhà nước (Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ; Nghị định 109/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ...). Đảm bảo nguồn kinh phí, chỉ đạo giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh.

Tác giả: Hải Hoàng