Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Sở GTVT tuyên truyền về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn của tỉnh Sơn La năm 2019
Lượt xem: 411
    Năm 2018, Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị,  trong đó xuất khẩu nông sản được xác định là khâu đột phá. Kết quả công tác tiêu thụ và xuất khẩu nông sản là một trong mười kết quả nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội an ninh quốc phòng và đối ngoại của tỉnh Sơn La năm 2018, được Ban Thường vụ tỉnh ủy đánh giá cao.
    Trong năm đã xuất khẩu được 16 loại nông sản, thực phẩm, giá trị xuất khẩu ước đạt trên 115 triệu USD; xuất khẩu được 17.500 tấn quả các loại, sang 12 thị trường (Úc, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông…), góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người dân.
    Sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh đạt 3 yêu cầu: Được mùa, năng xuất cao (GRDP khu vực nông nghiệp năm 2018 tăng cao trên 12%); được giá, giá thu mua ổn định, cơ bản khắc phục hiện tượng ép cấp, ép giá; nhiều hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả được nhân diện, đời sống nông dân nâng lên so với năm trước. Khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh về phát triển vùng nguyên liệu bền vững, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu. Quản lý vùng nguyên liệu đã có nhiều chuyển biến tích cực, đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGap, GlobalGap, các quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ). Hoạt động, chế biến, thu gom, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2018 đã đạt kết quả quan trọng (tiêu thụ cơ bản sản lượng sản xuất, giá cả hợp lý, thu nhập nâng cao, người sản xuất phấn khởi), tạo tiền đề quan trọng thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển cây ăn quả các năm tiếp theo. 

    Tiếp tục thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nông sản theo yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh, sản xuất gắn chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ. Trong đó xuất khẩu là giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản quan trọng, tạo tác động tương hỗ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên 3 thị trường chính (trong nước, trong tỉnh, xuất khẩu).

    Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 08/01/2019 về xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của tỉnh Sơn La năm 2019, với 03 mục tiêu chính là: (1) Xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Tập trung phát triển mới khoảng 24.000 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đạt 81.706 ha, trong đó có 10.000 ha cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GAP khác, xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ phục vụ xuất khẩu; (2) Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh có tiềm năng, lợi thế về điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng… tăng sản phẩm tham gia xuất khẩu (Sơn Tra, Bơ, Cá Tầm và một số sản phẩm sau chế biến); tăng tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu đã qua chế biến, sơ chế (quả, rau, cà phê…) xuất khẩu trực tiếp, giảm tỷ trọng ủy thác; tiếp tục duy trì, tăng sản lượng giá trị xuất khẩu vào 12 thị trường đã tiếp cận; mở rộng thị trường xuất khẩu sang một số nước như: EU, Nga, Niu Di-lân, Lào, Campuchia…; (3) Phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2019 tăng 30% so với năm 2018, với giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 150 triệu USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tăng thu ngân sách địa phương.
    Thông tin chi tiết về kết quả xuất khẩu năm 2018 và kế hoạch xuất khẩu nông sản an toàn của tỉnh năm 2019 như sau:
    I. KẾT QUẢ XUẤT KHẨU NĂM 2018
    1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
         (1) Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 1074- TB/TU ngày 18/3/2018 về thực hiện kế hoạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, Thông báo 1106- TB/TU ngày 19/4/2018 về đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản; Quyết định số 598- QĐ/TU ngày 03.4.2018 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về thành lập Ban chỉ đạo tỉnh về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp; Công văn số 3695 - CV/TU ngày 02/10/2018 về kịch bản tăng trưởng và xuất khẩu Quý IV/2018. Trong đó xác định xuất khẩu nông sản là khâu đột phá trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản năm 2018
         (2) HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ- HĐND ngày 04/4/2018 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2018- 2021; Nghị quyết số 80/2018/NQ- HĐND ngày 03/4/2018 của HĐND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển nông sản an toàn tỉnh Sơn La. Công văn số 1461/TT HĐND ngày 18/6/2018 của Thường trực HĐND tỉnh quy định cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/2018/NQQ- HĐND ngày 04/4/2018 của HĐND tỉnh.
             (3) Ban Thường vụ tỉnh ủy, Thường trực HDND tỉnh, UBND tỉnh, Thường trực huyện ủy, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm, khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong nước, nước ngoài. Qua khảo sát, xúc tiến đã ký kết và triển khai biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với một số doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm, có đối tác tiêu thụ, xuất khẩu nông sản góp phần quan trọng tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của tỉnh năm 2018 và các năm tiếp theo (Công ty cổ phần Đồng Giao - Ninh Bình, Công ty cổ phần nông lâm nghiệp Cánh đồng vàng - Lạng Sơn, Tập đoàn Quế Lâm…).
         (4) 
Triển khai chủ trương của Ban Thường vụ tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với hình chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, sơ chế, chế biến, cung ứng, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của tỉnh; xác định vị trí quan trọng của thị trường xuất khẩu trong tiêu thụ nông sản, phát huy tác dụng tương hỗ giữa các thị trường tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu rau, cây ăn quả với diện tích canh tác và chất lượng sản phẩm từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
          (5) Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành 09 Kế hoạch và nhiều văn bản triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện các chủ trương của Ban Thường vụ tỉnh  ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản năm 2018; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và các đơn vị thuộc Bộ, ngành Trung ương về đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; làm việc với các Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc, Đại sứ quán Úc, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá xuất khẩu nông sản; hợp tác với Học viện Nông nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp có đối tác thị trường, có kinh nghiệm trong phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu nông sản.
         (6) Ban Chỉ đạo 598 (Tỉnh ủy) đã chỉ đạo các ngành thành viên, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành triển khai nghiêm túc chủ trương của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu. Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; Làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có năng lực, kinh nghiệm và thị trường xuất khẩu phối hợp, hỗ trợ tỉnh Sơn La như Công ty Agricare, Công ty GreenPath, Công ty  Vina T&T, Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn), Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao…Làm việc với lãnh đạo các siêu thị lớn như BigC, Lotte, Aeon, Vinmart, Hapromart để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản trong đó có sản phẩm Xoài, Nhãn.
    (7)  Ban Thường vụ Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân các huyện đã ban hành Kết luận, thành lập tổ công tác, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện xuất khẩu nông sản, trái cây (tập trung cao cho Kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm Xoài trong tháng 6- 7/2018, sản phẩm Nhãn từ tháng 7- 9/2018; Sắn, Cà Phê từ tháng 9-12/2018); chủ động phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp xuất khẩu triển khai kế hoạch thu hái, sơ chế, tiêu thụ, xuất khẩu Xoài, Nhãn, Chanh Leo, Sơn Tra, Cà phê, Sắn năm 2018 (chi tiết theo từng tuần trong vụ thu hoạch, tiêu thụ).
    2. Kết quả sản xuất nông sản phục vụ chế biến, xuất khẩu

- Với chủ trương đúng đắn về quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào chuyển đổi cây nông nghiệp hiệu quả thấp sang phát triển cây ăn quả. Năm 2018, diện tích cây ăn quả từ 43.500 ha tăng lên 57.439ha hướng tới mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 100.000ha cây ăn quả, sản lượng đạt 1.100.000 tấn. Diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, bền vững theo đúng định hướng quy hoạch. Năm 2018, với điều kiện khí hậu trên địa bàn tỉnh thuận lợi cho việc ra hoa, kết trái nên phần lớn diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đều được mùa, cho năng suất cao, chất lượng ổn định.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các quy trình VietGAP, GlobalGAP; Diện tích canh tác nông nghiệp được cấp chứng nhận VietGAP hoặc GAP khác hoặc các tiêu chuẩn khác: 9.674,53 ha (đạt 8,5% tổng diện tích canh tác nông nghiệp). Trong đó: 07 loại quả (Xoài, Nhãn, Mận, Chuối, Bơ, Chanh leo, Chuối): 549 ha (đạt 0,8% diện tích cây ăn quả); Cà phê: 9.035,8 ha; Chè: 114,85 ha; Rau: 83,58 ha.

- Năm 2018 tổng diện tích canh tác nông nghiệp toàn tỉnh đạt 113.017,1 ha; sản lượng đạt 1.338.510,5 tấn. Trong đó có 57.439 ha cây ăn quả (26.154ha đã cho thu hoạch) gồm Nhãn, Xoài, Bơ, Hồng Giòn, Cam, Bưởi, Mận, Sơn Tra...; sản lượng khoảng 256.240 tấn quả. Một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao: Cây Nhãn 14.531 ha, sản lượng 70.197 tấn/năm 2018. Cây Xoài 11.037 ha, sản lượng đạt 29.119 tấn tập trung nhiều ở các huyện Mường La, Yên Châu, Thuận Châu, Sông Mã, Mộc Châu, Mai Sơn. Cây Bơ, Thanh Long đang là loại cây trồng mới, được phát triển mạnh, tập trung tại huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Yên Châu và các loại cây phục vụ cho chế biến công nghiệp như: Cà phê Arabica, Chè, Cao Su, Đường, Tinh bột sắn... qua khảo sát có điều kiện mở rộng sản xuất và dự báo có khả năng đẩy mạnh tiêu thụ ở nhiều thị trường.
    3. Hoạt động đầu tư, chế biến nông sản

    3.1.  Các nhà máy đang hoạt động
- Trên địa bàn tỉnh có 33 cơ sở, xưởng, nhà máy (cơ sở) chế biến nông sản xuất khẩu, sản lượng trên 100.000 tấn sản phẩm/năm, trong đó 80% sản phẩm tham gia xuất khẩu cụ thể một số cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu như sau:

+ Sản xuất chè 23 cơ sở. Sản lượng khoảng 9.500 tấn/năm, trong đó khoảng 8.000 tấn tham gia xuất khẩu/năm, chiếm 84% sản phẩm sản xuất ra.
+ Sản xuất đường có 01 Nhà máy. Niên vụ 2017-2018, sản lượng 60.000 tấn. Năm 2018, ước xuất khẩu 15.000 tấn, chiếm 25%.
+ Sản xuất tinh bột sắn của Nhà máy tinh bột sắn của Công ty CP chế biến nông sản Phú Yên- Chi nhánh Sơn La; công suất 300 tấn tinh bột/ngày. Sản lượng trên 60.000 tấn tinh bột/năm, 100% sản lượng đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu;
+ Sản xuất cà phê nhân: có 7 cơ sở sát cà phê nhân công suất trên 30 tấn cà phê nhân/ngày (2 cơ sở của Công ty CP chế biến cà phê Minh Tiến, 01 cơ sở HTX Bích Thao, 02 cơ sở của Cty TNHH Cát Quế) niên vụ 2017 -2018 chế biến khoảng 27.000 tấn. Xuất khẩu 25.000 tấn chiếm 92%.
-   Nhà máy dâu tằm tơ Mộc Châu, sản lượng 12 tấn tơ tằm/năm; sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu.

    3.2.  Tình hình đầu tư nhà máy chế biến nông sản:
    Năm 2017, 2018, trên địa bàn Tỉnh có 07 dự án đầu tư, trong đó có 5 nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018; 02 nhà máy dự kiến hoàn thành trong năm 2019, gồm các dự án sau:
    (1) Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La - Công ty CP Phúc Sinh tại xã Chiềng Mung huyện Mai Sơn. Nhà máy vận hành sản xuất trong tháng 11 năm 2018. Công suất nhà máy: 20.000 tấn quả tươi/1 vụ (5.000 tấn cà phê nhân) sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu với giá trị xuất khẩu dự kiến khoảng 28,42 triệu USD.
    (2) Sản xuất tinh bột sắn: 02 Nhà máy tại Mai Sơn (Nhà máy tinh bột sắn của Công ty CP chế biến nông sản Phú Yên- Chi nhánh Sơn La và Công ty CP chế biến nông sản BHL); Công suất 300 tấn tinh bột/ngày. Sản lượng 60.000 tấn tinh bột/năm (dự kiến hoàn thành nâng cấp công suất trong tháng 12/2018). 100% sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; Dự kiến xuất khẩu: 60.000 tấn tinh bột sắn/năm, với giá trị xuất khẩu khoảng 27.000 triệu USD.
    (3) Nhà máy chế biến Chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods Tây Bắc tại huyện Mộc Châu,nhà máy và đi vào sản xuất kinh doanh, dự kiến hoàn thành chậm nhất 30/11/2018. Công suất chế biến 10.000 tấn rau, quả/năm. Năm 2018, sản xuất khoảng 50 tấn sản phẩm từ quả chanh leo. Xuất khẩu khoảng 80% sản lượng.
   (4) Nhà máy chế biến rau quả và đồ uống công nghệ cao của Công ty CP chế biến thực phẩm công nghệ cao - Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ. Công suất nhà máy: 18.000 - 20.000 chai/giờ, với giá trị xuất khẩu dự kiến khoảng 2,105 triệu USD. Tiến độ do có điều chỉnh công nghệ, công suất, dự kiến sản xuất trong Quý III năm 2019.
    (5) Nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty SI Vân Hồ tại huyện Vân Hồ. Công suất nhà máy chế biến 1.800 tấn rau tươi/năm. Dự kiến xuất khẩu 100% sản phẩm. Giá trị xuất khẩu khoảng 7,895 triệu USD.
    (6) Nhà máy chế biến mủ Cao su của Công ty cổ phần Cao su Sơn La tại huyện Thuận Châu. Công suất nhà máy: 9.000 tấn/năm (trong đó giai đoạn I là 3.00 tấn/năm; giai đoạn II là 6.000 tấn/năm). Nhà máy khánh thành đi vào hoạt động trong tháng 11/2018. Dự kiến khoảng: 3.000 tấn mủ cao su sau chế biến/năm,với giá trị xuất khẩu khoảng 4,474 triệu USD.

    4.  Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại xuất khẩu

    Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền như: Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV4), Truyền hình Quốc hội, Báo Công Thương, Báo nhân dân, Đài truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Sơn La, Báo Sơn La và sự phối hợp của các tập đoàn, công ty lớn có thị trường và đối tác xuất khẩu như: Công ty cổ phần Tập đoàn Thương mại và truyền thông Bắc Hà, Tập đoàn Vinh Cố, công ty TNHH Nông nghiệp Pleiku Thành Đô - Trung Quốc, Công ty Cổ phần Nông Lâm Nghiệp Cánh Đồng Vàng, Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Công ty cổ phần nông lâm nghiệp Cánh đồng vàng, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Vina T&T… thực hiện hiệu quả chương trình quảng bá, xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu.

     Hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu đã phát huy hiệu quả thiên thực góp phần quan trọng đưa số mặt hàng nông sản của tỉnh tham gia xuất khẩu đạt 16 mặt hàng vào thị trường 12 nước; lần đầu tiên nông sản dã vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như BigC, Lotte, Hapro, VinMart tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; góp phần thúc đẩy xuất khẩu năm 2018. Sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La từng bước tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

    5.  Kết quả xuất khẩu năm 2018
    Trên cơ sở kết quả đạt được trong 9 tháng, ước giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2018 đạt 115 triệu USD (trong đó xuất khẩu nông sản chiếm 98,5%), tăng 1,72 lần so với thực hiện 2017, vượt 43% so với Kế hoạch năm 2018, kết quả xuất khẩu theo nhóm sản phẩm như sau:

    5.1.  Xuất khẩu sản phẩm quả

    - Sản lượng ước đạt 17.500 tấn, trong đó một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: (1) Sản phẩm Xoài xuất khẩu: 3.500 tấn, giá trị 1,75 triệu USD; xuất khẩu sang thị trường Úc, Trung Quốc, thị trường mới là Đu Bai, Xoài chế biến sang Nhật Bản. (2) Sản phẩm Nhãn tươi đạt 5.035 tấn;giá trị xuất khẩu ước đạt 11,42 triệu USD; thị trường, Trung Quốc, Hoa Kỳ; thị trường mới Đu Bai, Pháp, Hà Lan, Singapo, CamPuchia, xuất chào hàng sang Nhật Bản, Hàn Quốc. (3) Sản phẩm Mận Hậu 876 tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 0,463 triệuUSD; Thị trường Trung Quốc. (4) Sản phẩm Chanh Leo xuất khẩu khoảng 1.700 tấn, giá trị đạt 1,938 triệu USD;Xuất sang Trung Quốc, thị trường mới Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan. (5) Sản phẩm Thanh Long ruột đỏ ước đạt 220 tấn, giá trị đạt 0,28 triệu USD; sản phẩm mới xuất khẩu năm 2018 xuất sangTrung Quốc, UAE, đang chào hàng đi một số nước Australia, Pháp; (6) Sản phẩm Chuối ước đạt 3.000 tấn, giá trị đạt 0,6 triệu USD; tăng 2,36 lần so với năm 2017.

    - Các doanh nghiệp, HTX tham gia tích cực chương trình xuất khẩu sản phẩm quả năm 2018: Doanh nghiệp, HTX trong tỉnh: Công ty TNHH MTV Thanh Tùng; HTX Ngọc Lan, HTX Nhãn chín muộn, HTX Thanh Sơn, HTX Ngọc Hoàng (huyện Mai Sơn); HTX An Thịnh, HTX Hoàng Tuấn, HTX Tiên Cang, HTX Phúc Vinh (huyện Sông Mã); Liên hiệp HTX nông sản an toàn Sơn La, HTX Hoa quả Quyết Tâm, HTX Phương Nam (huyện Yên Châu); HTX Chanh Leo (huyện Mộc Châu)…; Doanh nghiệp ngoài tỉnh: Công ty Agricare, Công ty GreenPath, Công ty Vina T&T, Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn), Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Các chuỗi siêu thị lớn của cả nước như BigC, Lotte, Aeon, Vinmart, Hapromart…

    5.2.  Nông sản chế biến và nông sản khác

   -  Sản lượng xuất khẩu ước đạt 77.000 tấn, giá trị đạt 104,4 triệu USD tăng 1,61 lần so với thực hiện năm 2017, vượt 40% so với Kế hoạch năm 2018

    - Kết quả một số mặt hàng chủ yếu như sau:
     (1) Chè khô: ước đạt 8.000 tấn, giá trị đạt 16,5triệu USD tăng 2 lần so với năm 2017. Thị trường Đài Loan, Pakistan, Apganistan, UAE, Nhật Bản, thị trường mới Trung Quốc;
     (2) Cà phê nhân: ước đạt 25.200 tấn cà phê nhân, giá trị xuất khẩu khoảng 60,48 triệuUSD. Thị trường EU, Hoa Kỳ, UAE, Ấn Độ;
     (3) Tinh bột sắn: ước đạt 30.000 tấn, giá trị khoảng 12 triệu USD; Thị trường xuất sang Trung Quốc.
     (4) Đường kết tinh:ước đạt 15.000 tấn, giá trị khoảng 7,5 triệu USD. Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc.
     (5)Tơ tằm:xuất khẩu 5 tấn sang thị trường Ấn Độ với giá trị đạt 0,325 triệu USD;
     (6) Ngô giống:xuất khẩu sang Lào đạt 250 tấn (tăng gấp 3,2 lần so với năm 2017), giá trị đạt 0,353 triệu USD;
     (7) Các mặt hàng nông sản khác như rau, hạt giống, cây giống với số lượng trên 700 tấn (rau xà lách cuộn, cải bắp xuất sang Hàn Quốc), Dâu Tây, Cải bắp, súp lơ tím hạt dưa giống (hiệu TaKii) xuất sang Nhật Bản.
     II. Kế hoạch xuất khẩu nông sản năm 2019
     1. Tổng sản lượng xuất khẩu ước đạt 135.306 tấn, tăng 1,43 lần so với năm 2018, Giá trị xuất khẩu phấn đấu đạt 150 triệu USD. Trong đó sản lượng xuất khẩu sản phẩm quả đạt 21.000 tấn tăng 20% so với năm 2018. Kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm như sau:
     1.1. Tổng sản lượng quả
     - Xoài: 5.000 tấn, giá trị ước đạt 2,5 triệu USD; Thị trường Úc, Đu Bai, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, New Zeland.
     - Nhãn: 8.100 tấn quả tươi, giá trị ước đạt 8,8 triệu USD; Thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, UAE
     -  Chanh Leo: 2.000 tấn, giá trị ước đạt 2,3 triệu USD; Thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, UAE.
     -  Chuối: 3.500 tấn, giá trị ước đạt 0,8 triệu USD; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc
     -  Mận Hậu: 900 tấn, giá trị ước đạt 0,5 triệu USD; thị trường Trung Quốc;
     - Thanh Long: 300 tấn, giá trị ước đạt 0,4 triệu USD; Thị trường xuất khẩu Trung Quốc, Du Bai, Nhật Bản, Hàn Quốc.
     - Sơn Tra: 1.000 tấn, giá trị ước đạt 0,2 triệu USD. Thị trường xuất khẩu Trung Quốc.
     1.2.  Kế hoạch xuất khẩu nông sản chế biến và nông sản khác: Dự kiến giá trị xuất khẩu năm 2019 đạt khoảng 121 triệu USD, trong đó;
     -  Chè khô: 8.400 tấn chè sơ chế, giá trị ước đạt 17 triệu USD; Thị trường Đài Loan, Pakistan, Apganistan, UAE, Nhật Bản.
     -  Cà phê: 26.500 tấn cà phê nhân ; giá trị xuất khẩu khoảng 67 triệu USD,; Thị trường EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, UAE, Một số nước Trung Đông và Asean.
     - Tinh bột sắn: 60.000 tấn, giá trị khoảng 27 triệu USD; Đơn vị xuất khẩu: Công ty CP dịch vụ chế biến nông sản BHL; Công ty cổ phần chế biến sắn Phú Yên, Công ty cổ phần Fococep Việt Nam; Thị trường: Trung Quốc.
     - Cao su: 3.000 tấn mủ cao su sau chế biến/năm,với giá trị xuất khẩu khoảng 4,474 triệu USD; Thị trường Đài Loan, Trung Quốc;
     - Đường: Xuất khẩu: 15.000 tấn, giá trị khoảng 7,4 triệu USD. Thị trường xuất khẩu Trung Quốc.
     - Tơ tằm: 12 tấn. Dự kiến xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với giá trị đạt 120 nghìn USD.
     - Ngô giống: 42 tấn, giá trị đạt 0,072 triệu USD, tăng 5% so với năm 2018, Thị trường Lào;
     - Sản phẩm cá Tầm: Dự kiến Xuất khẩu cá tầm chế biến, đông lạnh 200 tấn và 20 kg trứng, giá trị ước đạt 1,5 triệu USD, sang EU và Nga Công ty TNHH MTV Cá Tầm Việt Nam Sơn La.
     - Các sản phẩm rau, hạt giống, cây giống… với số lượng trên 1.000 tấn (rau xà lách cuộn, cải bắp, dâu tây, súp lơ, hạt giống rau…), về lượng tăng 5%; về giá trị ước đạt 1,2 triệu USD tăng 5% so với năm 2018.
 2.  Một số giải pháp đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu
     - Tổ chức vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu: Xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Tập trung phát triển mới khoảng 24.000 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đạt 81.706 ha, trong đó có 20% diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GAP khác. Quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến các doanh nghiệp, HTX đã ký cam kết thực hiện vùng trồng năm 2018, tiếp tục xây dựng cấp các vùng trồng mới năm 2019; Quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn (VietGAP, GlobalGAP); Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; hình thành các chuỗi sản xuất quả bền vững. Tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng, kỹ thuật thu  hái, sơ chế, bảo quản cho lao động các doanh nghiệp các HTX…
     -  Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu: Tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu năm 2019; Kết hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông, báo chí trung ương và địa phương kịp thời đưa tin, tuyên truyền, quảng bá và các sự kiện xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp PTNT, khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu nông sản: Australia (Xoài), Trung Quốc (Xoài, Mận, Chuối, Thanh long, Nhãn), Hàn Quốc, Nhật Bản (Thanh long, Long nhãn, Rau); Thị trường tiêu thụ xuất khẩu chè, cà phê, tinh bột sắn: Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Pakistan, Afghanistan; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX quảng bá, gửi mẫu sản phẩm chào hàng, tham gia các gian hàng hội trợ triển lãm thương mại tại các nước có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La; tổ chức và tham gia các sự kiện xúc tiến xuất khẩu, giao thương giữa Việt Nam với các nước…
     - Nâng cao năng lực đơn vị thu gom và tổ chức xuất khẩu: Xây dựng các đơn vị thu gom có đủ năng lực (kho lạnh, cơ sở sơ chế, phân loại, đóng gói, bao bì, phương tiện vận chuyển chuyên dụng) tiêu thụ, xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia sản xuất sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, đang hoạt động dịch vụ xuất khẩu đăng ký mở văn phòng đại diện, mở chi nhánh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La; Phát huy năng lực các doanh nghiệp, HTX, đơn vị thu gom, xuất khẩu đã thực hiện đối với sản phẩm Xoài, Nhãn… các huyện, các doanh nghiệp, các HTX, đơn vị thu gom xây dựng kế hoạch phối hợp, ký biên bản hợp tác, hợp đòng kinh tế với các doanh nghiệp xuất khẩu ngay từ đầu năm để cùng triển khai thực hiện từ khâu chăm sóc đến thu gom, chế biến, xuất khẩu…
     -  Thu hút đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến, xuất khẩu: Tạo môi trường thuận lợi và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, để các nhà máy chế biến nông sản đã thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách địa phương; tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm tham gia xuất khẩu. Triển khai công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến nông sản, sản phẩm quả…
     -  Thực hiện hiệu quả công tác phân tích, dự báo thị trường: Nâng cao hiệu quả công tác Tổ nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường thuộc Ban Chỉ đạo 598, chủ động nắm chắc thông tin thị trường, giá cả phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu.
     - Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xuất khẩu: Bổ sung hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị Quyết 76/NQ-HĐND ngày 04/4/2018 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; đảm bảo nguồn kinh phí, chỉ đạo giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh. 
 


Tác giả: Tuấn Ngọc