Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chưa thể đủ cầu, đường cho trẻ tới trường an toàn?
Lượt xem: 177

Chuyện các em học sinh phải đi bè tới trường thậm chí là bơi qua dòng nước xiết đang đặt ra câu hỏi bức thiết: Phải chăng chúng ta chưa thể xây đủ cầu, đường đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân? Nếu nhà nước chưa đủ tiền đầu tư, thì trách nhiệm tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân thuộc về ai?

 

Theo thống kê, trong 4 năm từ năm 2006 đến năm 2010, cả nước đã xây mới gần 35 nghìn km đường giao thông nông thôn (GTNT), trong đó số đường xã và đường thôn xóm tăng hơn 33 nghìn km. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, nhiều tuyến đường huyện đã được nâng chuyển lên thành đường tỉnh, một số các tuyến đường xã quan trọng đã được kéo dài nâng lên đường huyện và nhiều tuyến đường xã mới đã được xây dựng.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, toàn quốc có 9.111 xã, đến nay có 8.962 xã có đường ôtô đến trung tâm. Nhiều địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội song đã tập trung ưu tiên giải quyết xong tình trạng các xã chưa có đường đến trung tâm xã như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Bình...

Nguồn vốn đầu tư GTNT những năm qua rất lớn và đa dạng. Tổng vốn đầu tư cho GTNT trong giai đoạn 2005-2008 xấp xỉ 18.500 tỷ đồng. Trung bình một năm một tỉnh đầu tư khoảng 132 tỷ đồng làm đường xây cầu GTNT. Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có mức đầu tư cao nhất, khoảng 190 tỷ đồng/tỉnh/năm, tiếp đến là vùng Trung du miền núi phía Bắc với 155 tỷ và thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 94,93 tỷ đồng/tỉnh/năm.

Trong đó, nguồn vốn do ngân sách Nhà nước đầu tư chiếm 56,7% (khoảng 10 nghìn tỷ đồng), vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 725,4 tỷ (3,93%), vốn nhân dân đóng góp theo số liệu tổng hợp từ 35 tỉnh vào khoảng gần 4 nghìn tỷ đồng (21,15%). Các nguồn vốn khác do doanh nghiệp đóng góp hoặc các dạng hỗ trợ khác... gần 4 nghìn tỷ đồng (18,17%).ư

Cảnh trẻ vượt sông đến trường như thế này cần được chấm dứt

Nỗ lực của Chính phủ, của toàn xã hội trong đầu tư phát triển GTNT là rất lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện vẫn còn những vùng trắng về đường giao thông, cần phải xây dựng mới. Việc vận chuyển ở nông thôn còn khó khăn, nhiều tuyến đường bị hư hỏng hoặc không thể đi lại được trong mùa mưa. Mục tiêu đến năm 2010 đảm bảo 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã đã không đạt được. Có tới 149 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó nhiều nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn 86 xã, tiếp đến là vùng Bắc Trung bộ và ven biển miền Trung 48 xã.

Các xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã hầu hết là ở vùng sâu, vùng xa với điều kiện địa hình khó khăn như núi đá cao hiểm trở, sông rộng không có cầu qua. Người dân đến chợ, đến trạm xá, bệnh viện, trường học... chủ yếu bằng xe đạp, xe máy thậm chí đi ngựa, đi thuyền hoặc đi bộ.

Chưa có cầu, phải có thuyền, áo phao

Cách đây chưa lâu, những hình ảnh học sinh bơi vượt sông tới trường ở Minh Hóa, Quảng Bình được đăng tải trên báo mạng đã làm chấn động dư luận. Nhiều người sẵn sàng đóng góp đầu tư xây cầu giúp các em nhỏ đi học được an toàn, nhiều ý kiến chê trách Bộ GTVT, chính quyền địa phương không làm hết trách nhiệm. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận vấn đề này dưới một góc độ toàn diện hơn để có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất. Không thể ở bất kỳ nơi đâu bị sông sâu ngăn cách thì đều phải xây cầu.

Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp hiện nay, Chính phủ và địa phương không đủ kinh phí để thực hiện mục tiêu này. Vấn đề cần làm là cơ quan chức năng phải lập được danh sách những nơi cần đầu tư xây cầu và phân cấp thực hiện theo các chương trình ưu tiên.

Thậm chí, có những vùng như ở bản Ông Tú, Minh Hóa nêu trên xây cầu mất 50 tỷ đồng nhưng người dân trong bản thường xuyên qua lại khu vực này chỉ có 20 hộ, các vùng lân cận dân cư cũng rất thưa thớt. Ở đây việc xây cầu không cấp bách bằng việc tổ chức đò, thuyền, áo phao phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, kiểm tra, nhắc nhở không cho trẻ em tự ý bơi lội đến trường.

Hàng ngàn cây cầu bê tông ở Bến Tre được xây dựng từ sự đóng góp của người dân

Chính quyền địa phương hơn ai hết phải là người tổ chức vận tải thuận tiện, an toàn nhất trong điều kiện có thể cho nhân dân. Bộ GTVT phối hợp với địa phương phải đề xuất giải pháp, cơ chế và hỗ trợ nguồn vốn, công nghệ để xóa dần những điểm xung yếu thiếu cầu, đường, thậm chí bằng chủ trương huy động sức dân trong điều kiện ngân sách còn khó khăn hiện nay. Thiết nghĩ, cầu có thể chưa được xây ngay nhưng trách nhiệm đối với việc đi lại an toàn của người dân thì không thể thiếu.