Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Sơn La 5 năm 2021-2025
Lượt xem: 763

Căn cứ Kế hoạch số 09/KH-SGTVT ngày 04/01/2021 của Sở Giao thông vận tải về việc phát triển giao thông vận tải tỉnh Sơn La 5 năm 2021-2025; Sở Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển giao thông vận tải 5 năm 2021-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Sơn La 5 năm 2021-2025, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

2. Xác định rõ nhiệm vụ các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở GTVT, làm cơ sở để chủ động trong việc tham mưu, phối hợp thực hiện nhiệm vụ; đồng thời nâng cao trách nhiệm Người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở GTVT trong chỉ đạo thực hiện các mục tiêu được giao.

3. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế, các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở GTVT chủ động nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có lộ trình phù hợp, khả thi với nỗ lực và quyết tâm chính trị cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác quy hoạch giao thông vận tải

a) Phòng Kế hoạch tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan tham mưu với Lãnh đạo Sở tích hợp Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 vào Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tạo thuận lợi trong quá trình quản lý và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch;

- Tham mưu với UBND tỉnh cung cấp số liệu liên quan trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác lập các Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật quốc gia lĩnh vực GTVT theo quy định của Luật Quy hoạch; trong đó đề nghị đưa vào Quy hoạch đường bộ tầm nhìn đến năm 2050: (1) tuyến cao tốc vành đai 2 kết nối Điện Biên, Sơn La, Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (có hướng tuyến đi song song hoặc đi trùng với QL.279); (2) bổ sung 658Km/10 tuyến vào quy hoạch quốc lộ (cụ thể: QL.16 kéo dài (Mộc Châu - Quan Hóa) dài 49Km; QL.4G kéo dài (Sốp Cộp - Cửa khẩu Nậm Lạnh) dài 31Km; QL.279C kéo dài (Huổi Puốc - Sốp Cộp) dài 64Km; QL.6D (TP. Sơn La - Mường Chanh - Mường É) dài 76Km; QL.6E (Thuận Châu - Mường Ẳng - Điện Biên Đông) dài 68Km; QL.279E (Quỳnh Nhai - Tân Uyên) dài 25,4Km; QL.37 kéo dài (Nà Ớt - Sông Mã - Mường Bám) dài 93Km; QL.37D (Mường La - Phù Yên - TP. Hòa Bình) dài 146,2Km; QL.32D (Nghĩa Lộ - Trạm Tấu - Bắc Yên) dài 50Km; QL.32E (Mù Căng Chải - Mường La) dài 55,5Km).

b) Các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở: Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động cung cấp các số liệu, đề xuất các nội dung thuộc phạm vi quản lý đưa vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải.

2. Công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

a) Phòng Kế hoạch tài chính

- Chủ trì, phối hợp tham mưu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án giao thông trọng điểm như: Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Cảng hàng không Nà Sản, tuyến tránh thành phố Sơn La; đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với các tuyến tránh đô thị Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn theo quy hoạch;

- Chủ trì, phối hợp với phòng Quản lý KCHTGT, phòng Quản lý chất lượng  CTGT, Ban QLBT đường bộ tham mưu kiến nghị với Bộ GTVT quan tâm cải tạo, nâng cấp các quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã hư hỏng, xuống cấp; trước mắt đề nghị đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của Bộ GTVT đối với 02 dự án: QL.37 đoạn Gia Phù - Cò Nòi (trừ đoạn qua Đèo Chẹn); QL.279 (Cáp Na - Pá Uôn); tiếp tục kiến nghị đưa vào Kế hoạch trung hạn đối với các quốc lộ: QL.43 (đoạn Mộc Châu - Lóng Sập); QL.6C (Tà Làng - Cò Nòi); QL.12 (Bó Sinh - Sông Mã); QL.4G (Sông Mã - Sốp Cộp); QL.279D (Huội Quảng - Mường La - Sơn La);

- Phối hợp, tham mưu với UBND tỉnh huy động nguồn lực, xắp xếp theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở khả năng cân đối vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp các đường tỉnh đã được UBND tỉnh giao lập đề xuất chủ trương đầu tư để đưa vào trung hạn giai đoạn 2021-2025, đảm bảo hoàn thành dứt điểm trong giai đoạn, phát huy hiệu quả đầu tư; ưu tiên trước 03 dự án đến trung tâm 07 xã còn lại (đường QL.37 - Hua Nhàn, huyện Bắc Yên; đường Mường Tè - Quang Minh, huyện Vân Hồ; đường nối QL.37, huyện Bắc Yên - QL.279D, huyện Mường La).

b) Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông

- Tham mưu đẩy mạnh phong trào phát triển đường GTNT gắn với CTMT quốc gia xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ” theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh; phấn đấu mỗi năm hoàn thành từ 10 xã trở lên đạt tiêu chí số 02 về giao thông theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách xã hội hóa công tác bảo trì đối với đường GTNT;

- Chương trình xây dựng cầu dân sinh: Tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh kiến nghị với Bộ GTVT xem xét lồng ghép trong các Chương trình, Đề án để đầu tư xây dựng 105 cầu dân sinh đã rà soát đảm bảo phù hợp các tiêu chí theo quy định, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025;

- Chủ trì, phối hợp với phòng KHTC, Ban QLBT đường bộ tham mưu kiến nghị với Bộ GTVT chuyển thành quốc lộ gồm: Kéo dài QL.37 từ Nà Ớt - Sông Mã; kéo dài QL.4G từ Sốp Cộp - Cửa khẩu Nậm Lạnh; chuyển tuyến ĐT.105 (Sốp Cộp - Mường Lèo) thành QL.279C; kéo dài QL.16 (Quan Hóa - Mộc Châu); chuyển ĐT.112  (Bắc Yên - Trạm Tấu) thành QL.32D;

- Tham mưu, đề xuất đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chú trọng đầu tư kết nối liên thông giữa đường bộ và đường thủy theo quy hoạch và đề án khai thác tiềm năng lòng hồ các thủy điện trên địa bàn tỉnh Sơn La;

- Hướng dẫn các thủ tục đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng trong việc thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải như: Bến xe khách, bãi đỗ xe tĩnh, trạm dừng nghỉ... theo quy hoạch đã được phê duyệt.

c) Các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở: Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao.

3. Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

a) Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông

- Chủ trì, phối hợp với phòng Kế hoạch tài chính, Thanh tra Sở, Ban QLBT đường bộ tham mưu với Lãnh đạo Sở thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông theo phân cấp;

- Rà soát bổ sung đầy đủ các biển báo hiệu đường bộ theo quy chuẩn; đề xuất xử lý triệt để các cầu yếu, ngầm tràn, điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, điểm ngập úng cục bộ trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội… để quản lý chặt quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ, đường tỉnh; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông, san lấp thượng - hạ lưu công trình thoát nước, chở quá khổ, quá tải;

- Tham mưu xây dựng phương án chủ động đối phó kịp thời khi bão lũ xảy ra và khắc phục nhanh chóng mọi ách tắc giao thông; tập trung chỉ đạo phát hiện và sửa chữa kịp thời các hư hỏng nền, mặt, công trình, các phát sinh do sự cố mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống.

b) Các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở: Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao.

4. Công tác quản lý vận tải, phương tiện và người lái

a) Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải, đào tạo, sát hạch và đăng kiểm phương tiện cơ giới đường thủy đường bộ; thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ về điều kiện phương tiện lưu hành đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định;

- Tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, đào tạo, sát hạch, đăng kiểm, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật, phục vụ nhu cầu của nhân dân. Khuyến khích các đơn vị vận tải khách đổi mới phương tiện nâng cao chất lượng, năng lực vận tải khách, mở mới thêm các chuyến xe chất lượng cao và các tuyến nội tỉnh vào các cụm dân cư;

- Mở rộng và phát triển thêm các loại hình vận tải đường thuỷ nhằm phục vụ kịp thời nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh và cả các vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông.

b) Các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở: Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao.

5. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông

a) Thanh tra Sở

- Tham mưu đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy, đường bộ; vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; duy trì, phát triển mô hình như đoạn, tuyến sông văn hóa-an toàn, cụm cảng, bến văn hóa, văn minh, an toàn, khu dân cư, xóm làng an toàn theo cam kết;

- Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT và hành lang giao thông, nâng cao ý thức bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trong xã hội;

- Đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ hành lang giao thông, chỉ đạo rà soát phân loại vi phạm theo từng thời điểm để có biện pháp xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương các cấp, lập kế hoạch giải tỏa hành lang giao thông và tập trung xử lý kiên quyết triệt để các vi phạm, tổ chức giải toả, cưỡng chế vi phạm hành lang giao thông;

- Tăng cường các biện pháp kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công các công trình giao thông.

b) Các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở: Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao.

6. Công tác cải cách hành chính và hợp tác quốc tế về giao thông vận tải

a) Văn phòng Sở

- Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020; trên cơ khắc phục những tồn tại, thiếu sót; bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh tham mưu với Lãnh đạo Sở thực hiện tốt công tác cải cách hành chính;

- Nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cộng vụ; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo, động lực thực hiện các nhiệm vụ CCHC; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin; công khai, minh bạch TTHC thuộc phạm vi quản lý. Thực hiện nghiêm cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ công mức độ 3, 4, dịch vụ Bưu chính công ích nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp;

- Công bố, công khai các TTHC và thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, đơn giản hóa các TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT; đảm bảo luôn đứng trong top 5 đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số CCHC của tỉnh đối với các sở, ban, ngành;

- Tham mưu với Lãnh đạo Sở thực hiện đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ GTVT, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh giao đối với hợp tác quốc tế về giao thông vận tải. 

b) Các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở: Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Nội dung chi tiết: Chương trình hành động số 10/CTr-SGTVT ngày 04/01/2021./.
Tác giả: Hải Hoàng