Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Kế hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Sơn La 5 năm 2021-2025
Lượt xem: 1117

Căn cứ Nghị quyết số 238/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của HĐND tỉnh Sơn La về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 2886/QĐ-UBND ngày 10/12/2020 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;

 Sở Giao thông vận tải xây dựng Kế hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Sơn La 5 năm 2021-2025 với các nội dung như sau:

I. NHỮNG TRIỂN VỌNG, THÁCH THỨC

1. Dự báo về triển vọng

- Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới thông qua các Hiệp định thương mại tự do FTA, kết hợp với chủ chương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh nắm bắt cơ hội của Cuộc cách mạng 4.0 đã mở ra những triển vọng về thị trường xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao.

- Trên địa bàn tỉnh, giai đoạn vừa qua đã từng bước hoàn thiện được cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn có tiềm năng, thế mạnh như: Du lịch, khoáng sản, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao…; nhiều công trình, dự án lớn đã và đang được đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua như: Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Khu công nghiệp Mai Sơn, Quảng trường Tây Bắc, các thủy điện vừa và nhỏ, cơ sở chế biến nông sản, vật liệu xây dựng… sẽ phát huy hiệu quả và có tác động lớn đến việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

- Tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh được giữ vững; nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất, hoa màu và tiền của để xây dựng phát triển hệ thống đường GTNT theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

2. Các khó khăn, thách thức

- Việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh dẫn đến nhu cầu vận tải tăng cao; cùng với đó là tiến trình đô thị hóa diễn ra trên hầu hết các huyện, thành phố đã tạo ra áp lực và thách thức không nhỏ lên hệ thống hạ tầng giao thông và công tác quản lý bảo trì hạ tầng giao thông của tỉnh vốn đang thiếu và yếu;

- Tỷ lệ cứng hóa còn thấp, quy mô, chất lượng các tuyến đường còn hạn chế; để nâng cao khả năng tiếp cận giao thông đối với các khu vực sản xuất, đặc biệt là vận tải logistics, nhằm giảm chi phí vận tải, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế thì cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong khi đó, điều kiện ngân sách hỗ trợ từ Trung ương ngày càn hạn hẹp; nguồn lực của tỉnh còn hạn chế; việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân chưa phát huy hiệu quả, đây là thách thức rất lớn đối với ngành giao thông vận tải;

- Tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ diễn ra ngày càng phức tạp, phá hủy các công trình giao thông, gây ách tắc, làm đình trệ giao thông gây thiệt hại rất lớn đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn hết sức phức tạp, khó lường tác động lớn đến hoạt động giao thông vận tải.

II. KẾ HOẠCH 5 NĂM 2021-2025

1. Mục tiêu, định hướng

- Công tác giao thông vận tải phải đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh Sơn La và khu vực Tây Bắc.

- Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng KT-XH, là một trong ba khâu đột phá quan trọng, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước tạo tiền đề để thực hiện các chương trình, mục tiêu giai đoạn 2021-2025.

- Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông phải đảm bảo phù hợp với điều kiện địa hình tự nhiên của từng khu vực trong tỉnh; đảm bảo tính đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước hiện đại, tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các khu vực với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng; ưu tiên hoàn thành chương trình đường giao thông đến trung tâm xã đi được bốn mùa; coi trọng phát triển hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý bảo trì, đảm bảo khai thác có hiệu quả, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông hiện có và mới được đầu tư bổ sung thêm.

- Công tác vận tải phải đáp ứng được yêu cầu vận tải hàng hoá, hành khách của địa phương và khu vực; đẩy mạnh phát triển mạng lưới vận tải đường bộ, đường thủy, đáp ứng được sự gia tăng về nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách trong tỉnh và khu vực; đổi mới phương tiện vận tải khách nhằm phục vụ ngày một tốt hơn sự đi lại của nhân dân đảm bảo an toàn, thuận tiện, văn minh, lịch sự.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân cho đầu tư phát triển và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đường bộ

- Phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đối với các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; tuyến tránh thành phố Sơn La; thực hiện cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn tỉnh được đầu tư đã lâu đến nay đã hư hỏng xuống cấp theo quy hoạch đã được phê duyệt; xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, điểm ngập úng; chuyển một số  đường tỉnh đủ điều kiện thành quốc lộ; coi trọng bảo trì đường bộ.

- Đường giao thông nông thôn: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng đường GTNT gắn với CTMT quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành 3.124 tuyến/1.634Km với kinh phí khoảng 2.328 tỷ đồng (trong đó nhà nước hỗ trợ 1.253 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 1.075 tỷ đồng); hàng năm hoàn thành từ 10-15 xã đạt tiêu chí số 02 về giao thông; tiếp tục hoàn thành mục tiêu cứng hóa 100% đường đến trung tâm xã; tranh thủ huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các cầu dân sinh phục vụ đảm bảo ATGT cho đồng bào dân tộc thiểu số;

- Đường đô thị: Từng bước xây dựng hệ thống đường đô thị theo quy hoạch, đáp ứng tiến trình đô thị hoá.

- Kết cấu hạ tầng dịch vụ hỗ trợ vận tải: Chú trọng xã hội hóa đầu tư, từng bước xây dựng các bến, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm đăng kiểm, trung tâm đào tạo sát hạch và các bến kỹ thuật dành riêng cho xe buýt, bến xe taxi, các bãi đỗ xe chính, các đầu mối trung chuyển hành khách.

b) Đường thuỷ: Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy hoạch; chú trọng đầu tư kết nối liên thông giữa đường bộ và đường thủy.

c) Hàng không: Hoàn thành đầu tư nâng cấp và đưa vào khai thác sử dụng cảng hàng không Nà Sản theo quy hoạch.

d) Tổ chức vận tải: Tổ chức khoa học mạng lưới vận tải đường bộ, đường thuỷ trong tỉnh tạo thành một mạng lưới vận tải thông suốt và cơ động. Phối hợp chặt chẽ giữa các loại hình và lực lượng tham gia vận tải đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Nâng cao chất lượng và khối lư­ợng vận tải hàng hoá, hành khách, khuyến khích đối với tất cả các thành phần kinh tế tham gia, chú trọng phát triển các tuyến vận tải lên các xã vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa hẻo lánh.

e) Cải cách hành chính, kiểm tra và hợp tác quốc tế: Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính với phương châm “vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”; thực hiện đầy đủ các chỉ đạo về hợp tác quốc tế lĩnh vực giao thông vận tải. 

3. Nhiệm vụ chủ yếu

3.1. Công tác quy hoạch giao thông vận tải

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu với UBND tỉnh tích hợp Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 vào Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, thuận lợi trong quá trình quản lý và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch.

- Tham mưu với UBND tỉnh phối hợp với Bộ GTVT, cung cấp các số liệu liên quan trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác lập các Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải theo quy định của Luật Quy hoạch; trong đó đề nghị đưa vào Quy hoạch đường bộ tầm nhìn đến năm 2050: (1) tuyến cao tốc vành đai 2 kết nối Điện Biên, Sơn La, Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (có hướng tuyến đi song song hoặc đi trùng với QL.279); (2) bổ sung 658Km/10 tuyến vào quy hoạch quốc lộ (cụ thể: QL.16 kéo dài (Mộc Châu - Quan Hóa) dài 49Km; QL.4G kéo dài (Sốp Cộp - Cửa khẩu Nậm Lạnh) dài 31Km; QL.279C kéo dài (Huổi Puốc - Sốp Cộp) dài 64Km; QL.6D (TP. Sơn La - Mường Chanh - Mường É) dài 76Km; QL.6E (Thuận Châu - Mường Ẳng - Điện Biên Đông) dài 68Km; QL.279E (Quỳnh Nhai - Tân Uyên) dài 25,4Km; QL.37 kéo dài (Nà Ớt - Sông Mã - Mường Bám) dài 93Km; QL.37D (Mường La - Phù Yên - TP. Hòa Bình) dài 146,2Km; QL.32D (Nghĩa Lộ - Trạm Tấu - Bắc Yên) dài 50Km; QL.32E (Mù Căng Chải - Mường La) dài 55,5Km).

 3.2. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

a) Đường bộ

* Cao tốc: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đảm bảo hoàn thành và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2021-2025.

* Quốc lộ: Kiến nghị với Bộ GTVT tiếp tục quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp các quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã hư hỏng, xuống cấp; xây dựng các tuyến tránh đô thị dọc trục QL.6; đồng thời cho phép chuyển một số đường tỉnh đủ điều kiện thành quốc lộ, cụ thể như sau:

- Phối hợp để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT đối với 02 dự án: QL.37 đoạn Gia Phù - Cò Nòi (trừ đoạn qua Đèo Chẹn) dài 62,7Km và QL.279 (Cáp Na - Pá Uôn) dài 26Km đã được Bộ GTVT giao Ban QLDA 6 và Ban QLDA Thăng Long lập chủ trương đầu tư.

- Tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Bộ GTVT quan tâm, giao đơn vị lập đề xuất chủ trương đầu tư để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT đối với các quốc lộ đã xuống cấp như: QL.43 (đoạn Mộc Châu - Lóng Sập); QL.6C (Tà Làng - Cò Nòi); QL.12 (Bó Sinh - Sông Mã); QL.4G (Sông Mã - Sốp Cộp); QL.279D (Huội Quảng - Mường La - Sơn La);

- Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công đối với tuyến tránh thành phố Sơn La; đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với các tuyến tránh đô thị Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn.

- Đầu tư hoàn thiện một số đường tỉnh và kiến nghị với Bộ GTVT chuyển thành quốc lộ gồm: Kéo dài QL.37 từ Nà Ớt - Sông Mã - Co Mạ; kéo dài QL.4G từ Sốp Cộp - Cửa khẩu Nậm Lạnh; chuyển tuyến ĐT.105 (Sốp Cộp - Mường Lèo) thành QL.279C; Kéo dài QL.16 (Quan Hóa - Mộc Châu); chuyển ĐT.112  (Bắc Yên - Trạm Tấu) thành QL.32D…

* Đường tỉnh: Phối hợp với các Sở, ngành tham mưu với UBND tỉnh huy động nguồn lực, xắp xếp theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở khả năng cân đối vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp các đường tỉnh đã được UBND tỉnh giao lập đề xuất chủ trương đầu tư để đưa vào trung hạn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo hoàn thành dứt điểm trong giai đoạn, phát huy hiệu quả đầu tư cụ thể:

- ĐT.101 đoạn Km0-Km4 (QL.43-Chiềng Khoa), huyện Vân Hồ dài 4Km, quy mô đạt cấp Vmn, tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng, để khắc phục hư hỏng, xuống cấp;

- ĐT.103 (Chiềng Sảng - Yên Sơn - Nà Cài), huyện Yên Châu dài 32Km, quy mô đạt cấp Vmn, tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng, để khắc phục hư hỏng, xuống cấp;

- ĐT.105 (đoạn Mường Lèo - Mường Lói), huyện Sốp Cộp dài 4,7Km, quy mô đạt cấp Vmn, tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng, để chuyển thành QL.279C;

- ĐT.108 (đoạn Thuận Châu - Co Mạ) dài 40Km, quy mô đạt cấp Vmn, tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, để khắc phục hư hỏng, xuống cấp;

- ĐT.108 (đoạn Co Mạ, Co Tòng, huyện Thuận Châu - xã Bó Sinh, huyện Sông Mã) dài 29Km, quy mô đạt cấp Vmn, tổng mức đầu tư 184 tỷ đồng, để khắc phục hư hỏng, xuống cấp;

- ĐT.110 (đoạn Hát Lót-Chiềng Sung), huyện Mai Sơn, dài 23Km, quy mô đạt cấp Vmn, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, để khắc phục hư hỏng, xuống cấp;

- ĐT.112 (Làng Chếu - Xím Vàng), huyện Bắc Yên, dài 27Km, quy mô đạt cấp Vmn, tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng;

- ĐT.113 (đoạn Phiêng Phụ - Thị trấn Sông Mã), huyện Sông Mã dài 13Km, quy mô đạt cấp IVmn, tổng mức đầu tư 126 tỷ đồng để chuyển thành QL.37 kéo dài;

- ĐT.114 (đoạn từ Bãi Đu, xã Tân Lang - Mường Do), huyện Phù Yên dài 20Km, quy mô đạt cấp Vmn, tổng mức đầu tư 114 tỷ đồng, để khắc phục hư hỏng, xuống cấp;

- ĐT.116 (Mường Bú - Chiềng Khoang) dài 57Km, quy mô đạt cấp Vmn, tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng, để khắc phục hư hỏng, xuống cấp;

- ĐT.117 đoạn Km9+300-Km20+700; Km31-Km34 (Chiềng Bôm - Mường Chanh) dài 14,4Km, quy mô đạt cấp Vmn, tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng, để khắc phục hư hỏng, xuống cấp;

* Đường giao thông nông thôn

- Tiếp tục đầu tư hoàn thành dứt điểm mục tiêu xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đối với 07 xã còn lại thuộc 03 dự án (đường QL.37 - Hua Nhàn, huyện Bắc Yên; đường Mường Tè - Quang Minh, huyện Vân Hồ; đường nối QL.37, huyện Bắc Yên - QL.279D, huyện Mường La);

- Đẩy mạnh phong trào phát triển đường GTNT gắn với CTMT quốc gia xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ” theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh; phấn đấu mỗi năm hoàn thành từ 10 xã trở lên đạt tiêu chuẩn số 02 về giao thông; tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách xã hội hóa công tác bảo trì đối với hệ thống đường GTNT, đảm bảo các tuyến đường được bảo trì theo quy định.

- Chương trình xây dựng cầu dân sinh: Tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh kiến nghị với Bộ GTVT xem xét lồng ghép trong các Chương trình, Đề án để đầu tư xây dựng 103 cầu dân sinh đã rà soát đảm bảo phù hợp các tiêu chí theo quy định, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

* Hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải đường bộ: Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các bến xe khách, bãi đỗ xe tĩnh, trạm dừng nghỉ...

b) Đường thủy: Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy hoạch; chú trọng đầu tư kết nối liên thông giữa đường bộ và đường thủy;

c) Đường hàng không: Triển khai và quan tâm bố trí vốn để đầu tư xây dựng các công trình khu bay của Cảng Hàng không Nà Sản nhằm sớm đưa vào khai thác, đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng và đi lại của nhân dân;         

3.3. Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, BDTX, sửa chữa định kỳ, đột xuất đảm bảo các tuyến đường được êm thuận, thông suốt, an toàn; rà soát bổ sung đầy đủ biển báo hiệu đường bộ theo quy chuẩn; xử lý triệt để các “cầu yếu”, “ngầm tràn”, “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông”, “điểm ngập úng cục bộ”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội… để quản lý chặt chẽ quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ, đường tỉnh; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông, san lấp thượng - hạ lưu công trình thoát nước, chở quá khổ, quá tải.  

- Xây dựng phương án chủ động đối phó kịp thời khi bão lũ xảy ra và khắc phục nhanh chóng mọi ách tắc giao thông; tập trung chỉ đạo phát hiện và sửa chữa kịp thời các hư hỏng nền, mặt, công trình, các phát sinh do sự cố mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống.

- Kiến nghị nâng cao mức kinh phí hàng năm cho công tác quản lý bảo trì hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với hệ thống đường giao thông nông thôn, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí bảo trì được bố trí.

3.4. Quản lý vận tải, phương tiện và người lái

- Tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, đào tạo, sát hạch, đăng kiểm, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Khuyến khích các đơn vị vận tải khách đổi mới phương tiện nâng cao chất lượng, năng lực vận tải, mở mới thêm các chuyến xe chất lượng cao, các tuyến nội tỉnh và tuyến xe buýt vào các cụm dân cư.

- Mở rộng và phát triển thêm các loại hình vận tải khác như đường thuỷ nhằm phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả các vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải, phương tiện và người lái; trong đó, trọng tâm là tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các lĩnh vực phụ trách, cơ quan quản lý sát hạch, Trung tâm sát hạch lái xe, Hội đồng sát hạch, Tổ sát hạch, Hiệu trưởng, Giám đốc các cơ sở đào tạo lái xe; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, đào tạo; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung, quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh đường thủy nội địa.

- Phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành rà soát, phân loại phương tiện phương tiện thủy nội địa để thực hiện đăng kiểm phương tiện, ban hành thêm các mẫu thuyền định hình (đặc biệt là mẫu thuyền định hình chở người) để áp dụng đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, đăng ký hành chính trên địa bàn tỉnh Sơn La.

3.5. Đảm bảo trật tự an toàn giao thông

- Các cấp, các ngành, Ban An toàn giao thông các huyện thị, các đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đường thủy, đường bộ; vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; duy trì, phát triển mô hình như đoạn, tuyến sông văn hóa - an toàn, cụm cảng, bến văn hóa, văn minh, an toàn, khu dân cư, xóm làng an toàn theo cam kết.

- Các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT và hành lang giao thông, nâng cao ý thức bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trong xã hội.

- Đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ hành lang giao thông, chỉ đạo rà soát phân loại vi phạm theo từng thời điểm để có biện pháp xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương các cấp, lập kế hoạch giải tỏa hành lang giao thông và tập trung xử lý kiên quyết triệt để các vi phạm, tổ chức giải toả, cưỡng chế vi phạm hành lang giao thông.

- Nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe các hạng. Xử lý triệt để các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, bổ sung hệ thống cọc tiêu, biển báo hiệu đường bộ; tăng cường các biện pháp kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công các công trình giao thông.

3.6. Công tác cải cách hành chính và hợp tác quốc tế về giao thông vận tải

- Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được giai đoạn 2016-2020 trên cơ khắc phục những tồn tại, thiếu sót; bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước của tỉnh đối với công tác cải cách hành chính; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cộng vụ; lấy sự hài của người dân và doanh nghiệp làm thước đo, động lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải; đảm bảo luôn đứng trong top 5 đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đối với các sở, ban, ngành.

- Thực hiện đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ GTVT, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh giao đối với hợp tác quốc tế về giao thông vận tải. 

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp chỉ đạo, điều hành

- Chỉ đạo nghiên cứu lồng ghép việc thực hiện các mục tiêu của ngành vào các mục tiêu phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2025 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; hàng năm căn cứ chỉ tiêu của cả giai đoạn đề ra các chỉ tiêu phù hợp cho từng năm để phấn đấu triển khai thực hiện;

- Quan tâm, chỉ đạo rà soát, lập và thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh một cách có hiệu quả; coi đây là công cụ pháp lý quan trọng để chỉ đạo, điều hành thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025; gắn chặt kế hoạch đầu tư công trung hạn với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. 

2. Giải pháp về huy động nguồn vốn

- Kiến nghị tăng mức vốn từ ngân sách trung ương, vốn CTMT Quốc gia phân bổ cho tỉnh; tranh thủ các nguồn vốn do các Bộ, ngành Trung ương quản lý như: Vốn ODA, TPCP, Quốc phòng… để lồng ghép có hiệu quả với nguồn vốn của địa phương tập trung đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh;

- Công khai quy hoạch, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách (thủ tục đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng; chính sách về thuế; ưu đãi về khai thác hạ tầng, dịch vụ sau đầu tư…) để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư;

- Đẩy mạnh áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển KCHT đường bộ đối với các dự án giao thông đi qua các khu đô thị, khu dân cư, khu đất có tính thương mại cao (theo Nghị định 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 của Chính phủ);

- Huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân địa phương nơi có công trình đi qua bằng nhiều hình thức đóng góp như: Đóng góp về tài chính; ngày công lao động; ca máy; vật liệu xây dựng; hiến đất và tài sản trên đất để GPMB… nhằm tiết giảm chi phí đầu tư.

3. Giải pháp về kỹ thuật

Lựa chọn phương án tuyến hợp lý để tận dụng tối đa công trình hiện có; cho phép châm chước một số chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu để giảm khối lượng đào, đắp; ứng dụng công nghệ thi công mới; sử dụng vật liệu tại chỗ; vật liệu mới; lao động địa phương… qua đó giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình.

4. Giải pháp về quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

- Xây dựng, quản lý và cập nhật thường xuyên hệ thống cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường phối hợp trong công tác lập, quản lý quy hoạch sử dụng đất, quản lý xây dựng của các địa phương gắn với bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn đường bộ;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; ứng dụng các công nghệ bảo trì mới, tiên tiến để giảm chi phí bảo trì, tăng tuổi thọ và chất lượng khai thác công trình;

- Chủ động nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách xã hội hóa công tác bảo trì đối với hệ thống đường GTNT theo hướng giao khoán cho xã, phường, tổ, bản… nhằm gắn trách nhiệm trong việc sử dụng, quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

5. Giải pháp về nguồn nhân lực

- Đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tổ chức tập huấn cập nhật, nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông nông thôn cho cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật tới cấp xã. Tạo sự gắn bó của cán bộ làm giao thông với phong trào xây dựng và phát triển giao thông nông thôn.

- Hằng năm tổ chức học tập, bồi dường nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm ở các địa phương có phong trào xây dựng giao thông nông thôn điển hình cho cán bộ giao thông cấp xã để nâng cao kiến thức phục vụ cho công tác xây dựng và quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn.

Nội dung chi tiết: Kế hoạch số 09/KH-SGTVT ngày 04/01/2021./.

Tác giả: Hải Hoàng