Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Về việc tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát hành trình để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải
Lượt xem: 128
Thực hiện Công văn số 8973/CĐBVN-QLVT,PT&NL ngày 28/12/2023 của Cục Đường bộ Việt Nam về việc tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu trên Hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT để phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn. 

Sở Giao thông vận tải Sơn La ban hành Công văn số 115/SGTVT-QLVT,PT&NL ngày 11/01/2024 về việc tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát hành trình để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc một số nội dung như sau:

1. Các đơn vị kinh doanh vận tải

- Kiểm tra, rà soát lại toàn bộ thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô trên các phương tiện đang quản lý theo quy định tại Điều 10 của Thông tư số 09/2015/TTBGTVT, Điều 15 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT và khoản 6 Điều 12 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Đảm bảo việc ghi nhận, truyền dẫn đầy đủ, liên tục về máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải, hệ thống xử lý và khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam các thông tin bắt buộc gồm: hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày. Thực hiện việc cấp thẻ định danh đầy đủ và yêu cầu người lái xe phải thực hiện quẹt thẻ định danh khi điều khiển phương tiện theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP; phải theo dõi và khắc phục kịp thời đối với những phương tiện không bảo đảm việc truyền dẫn dữ liệu.

- Yêu cầu bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông phải kiểm tra đầy đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thiết bị giám sát hành trình, camera trước khi đưa phương tiện vào hoạt động; kiên quyết không cấp lệnh vận chuyển hoặc điều động phương tiện tham gia hoạt động vận tải khi không đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật hoặc người lái không đủ điều kiện theo quy định. Thực hiện nghiêm quy trình đảm bảo an toàn giao thông theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT để quản lý chặt chẽ phương tiện, lái xe tham gia hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị. 

- Bố trí nhân viên thực hiện theo dõi giám sát hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải của phương tiện; thường xuyên tự kiểm tra, trích xuất thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, hình ảnh từ camera lắp trên phương tiện thuộc quản lý của đơn vị để kịp thời phát hiện nhắc nhở, nhấn chỉnh và xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là các vi phạm về: tốc độ, chạy sai hành trình, lịch trình vận tải, thời gian làm việc của lái xe; thiết bị giám sát hành trình, camera không hoạt động theo quy định.

- Nghiêm cấm sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi để can thiệp vào quá trình hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, camera. Trường hợp thiết bị giám hành trình, camera bị lỗi thì đơn vị phải có trách nhiệm làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ thiết bị để có biện pháp khắc phục ngay; chỉ cho phép phương tiện tham gia hoạt động vận tải khi thiết bị giám hành trình, camera hoạt động theo quy định. Các trường hợp vi phạm không truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về hệ thống quản lý, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục ĐBVN sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 28 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định”.

- Chấp hành nghiêm việc nộp lại phù hiệu phương tiện vi phạm về Sở GTVT khi nhận được quyết định bị thu hồi phù hiệu đảm bảo đúng thời gian ghi trong quyết định. Trường hợp cố tình không nộp lại phù hiệu đã bị thu hồi, đơn vị sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 28 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 15, Điều 2 của Nghị định số 123/2021/NĐ-CP): “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không nộp lại phù hiệu về Sở Giao thông vận tải theo quy định”.

2. Giao Thanh tra Sở

- Trong các cuộc thanh tra, kiểm tra lồng ghép nội dung kiểm tra việc thực hiện quy định quản lý, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các vi phạm như: xe kinh doanh vận tải không lắp thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với phương tiện thuộc đối tượng phải lắp) theo quy định; thiết bị giám sát hành trình, camera không hoạt động, không truyền dữ liệu; sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi để can thiệp vào quá trình hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, camera…

- Chủ trì, phối hợp với phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái kiểm tra xác minh, xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) đối với đơn vị kinh doanh vận tải về hành vi không nộp lại phù hiệu bị thu hồi do vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình về Sở GTVT, phương tiện không truyền dữ liệu từ thiết bị GSHT theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 28 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP).

3. Giao phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái

Tăng cường khai thác dữ liệu để theo dõi, tham mưu với lãnh đạo Sở ban hành văn bản chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm qua hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định./.

Tải về

Tác giả: A Hùng